1. Xử lý nước trước khi thả tôm

Xử lý nước trước khi thả tôm rất quan trọng vì chỉ cần xử lý không đúng cách có thể ảnh hưởng cả vụ nuôi, cách xử lý nước trước khi thả tôm phải tuần tự hợp lý mới có thể giúp giống phát triển an toàn, khỏe mạnh.

Mục đích:

– Xử lý mầm bệnh gây hại còn sót lại ở vụ nuôi trước đó có thể gây hại cho tôm giống

– Mầm bệnh từ nguồn nước được cấp vào ao nuôi nếu không xử lý sẽ vô cùng nguy hiểm.

– Việc xử lý nước còn tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu. Từ đó giảm chi phí thức ăn từ đó tăng lợi nhuận.

Xử lý mầm bệnh trong nước trước khi thả tôm

– Bước 1: Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để lắng 3 – 7 ngày.

– Bước 2: Kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng bằng cách chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày.

chay quat nuoc de au trung no

Ảnh minh họa – chạy quạt nước

– Bước 3: Sử dụng Chlorine nồ độ 20-30 ppm (20-30kg/1.000m3 nước) để diệt tạp, diệt khuẩn nước ao lắng vào buổi sáng (khoảng 8h) hoặc buổi chiều ( khoảng 16h). Ngoài ra có thể sử dụng một số hoá chất có thể dùng để diệt tạp, diệt khuẩn nước:

+ Thuốc tím (KMnO4): 20 – 50 kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới gây màu nước.

+ BKC (Benzalkonium Chlorinde) ≥ 50%: là 3 – 5ppm (30 – 50kg/ha).

+ Hợp chất Iodine  ≥ 10%: 1 – 3 lít/1.000 m3 nước.

Lưu ý: Chỉ sử dụng một trong các hoá chất: hoặc thuốc tím, hoặc Chlorine , hoặc BKC, hoặc Iodine. Nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó từ 3 – 5 ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine.

– Bước 4: Quạt nước liên tục trong 10 ngày để phân hủy dư lượng Chlorine. Kiểm tra dư lượng chlorine trong nước bằng thuốc thử.

– Bước 5: Thả cá rô phi vào ao chứa: 50kg cá rô phi đơn tính, cở cá 50gr/con/3.000m2.

– Bước 6: Lấy nước từ ao chứa đã được xử lý vào ao nuôi qua túi lọc.

Lưu ý:

+ Đối với ao chứa duy trì nuôi cá rô phi liên tục trong suốt quá trình.

+ Không lấy nước vào ao khi: (1) nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa. (2) nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh. (3) nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.

2. Xử lý nước trong quá trình nuôi tôm

Trong quá trình nuôi thả tôm có rất nhiều bệnh của tôm xuất phát từ nguồn nước. Để tạo môi trường sống tốt cho tôm, bà con nông dân cần lưu ý những vấn đề sau:

a. Nước nuôi tôm xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan

Một trong những vấn đề bà con thường gặp là trong ao nuôi xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan. Vậy nguyên nhân do đâu và xử lý hiện tượng bọt trắng này như thế nào là hiệu quả?
 

xử lý nước nuôi tôm thẻ
 

Tại sao ao nuôi tôm thẻ chân trắng lại xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan?

Nguyên nhân trong ao nuôi tôm có nhiều bọt trắng lâu tan

– Trong ao xuất hiện một lượng khí độc H2S làm xuất hiện các bọt bong bóng lâu tan. Gây thiếu Oxy hòa tan trong nước ao. H2S hình thành từ chất thải tích tụ, chúng ảnh hưởng rất xấu đến tôm. Nếu nồng độ H2S từ 0,01 – 0,02 ppm có thể làm cho tôm bị nhiễm độc và chết hàng loạt. Ngoài ra còn có một số loại khí khác như Metan, CO2. Chúng sinh ra trong quá trình phân hủy chất hữu cơ trong ao.

– Do một số yếu tố môi trường không đảm bảo như độ kiềm và độ pH trong nước ao có thể làm cho tảo tàn. Gây ra hiện tượng ô nhiễm cho ao nuôi, xuất hiện nhiều bọt lâu tan khi chạy quạt nước.

Nếu không xử lý nước nuôi tôm thẻ kịp thời, tôm sẽ giảm ăn, dễ mắc bệnh và chết hàng loạt.

Cách xử lý nước ao nuôi tôm có nhiều bọt

– Khi phát hiện trong ao nuôi có nhiều bọt người nuôi cần kiểm tra trong ao có xuất hiện các loại khí độc H2S, NH3 không. Nếu có thì sử dụng BIO  AQUA-1  để hấp thụ khí độc với liều lượng 500ml/3.000m3 nước. BIO AQUA-1 có khả năng hấp thụ rất tốt các loại khí độc trong ao, cấp cứu tôm nổi đầu hiệu quả.

– Giảm lượng thức ăn xuống 50% so với mức thông thường trong quá trình xử lý. Tiếp tục cho đến khi ao hết khí độc thì tăng lượng thức ăn về mức bình thường.

– Nếu trong ao xuất hiện nhiều váng trên mặt nước do tảo chết thì cần vớt tảo. Kết hợp sử dụng vi sinh xử lý đáy để phân hủy xác tảo làm sạch nước ao. Duy trì và tăng cường quạt nước để cung cấp Oxy đầy đủ cho tôm. Đồng thời kiểm tra độ kiềm, pH trong ao để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu pH thấp cần bón vôi mỗi lần 1 ít vào khu vực có nhiều chất thải tôm tích tụ. Điều đó giúp điều chỉnh pH trên 7,5.

Để phòng ngừa bọt lâu tan xuất hiện trong ao nuôi cần thực hiện đảm bảo các yếu tố môi trường, quản lý tảo. Không cho ăn dư thừa lâu ngày tích tụ làm ô nhiễm ao nuôi. Bên cạnh đó việc thường xuyên xử dụng chế phẩm vi sinh sẽ giúp nước ao nuôi sạch, màu nước ổn định.  Hơn nữa giảm thiểu mầm bệnh phát triển gây hại cho tôm nuôi.

Đặt nhá, vó kiểm tra tôm yếu tại khu vực tụ chất thải. Nếu phát hiện tôm yếu thì trộn vitamin, khoáng vào thức ăn cho tôm để giúp tôm khỏe lại.

Duy trì hoạt động quạt khí trong cả ngày để cung cấp ôxy do phân hủy xác tảo. Điều đó sẽ tiêu hao oxy nhiều.

xử lý nước nuôi tôm thẻ
 

Duy trì hoạt động quạt khí trong cả ngày để cung cấp oxy

Trên đây là nguyên nhân và cách xử lý nước nuôi tôm thẻ khi bề mặt xuất hiện nhiều bọt lâu tan. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bà con trong việc nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm thẻ chân trắng nói riêng.

b. Nước ao nuôi tôm bị đục

Nước trong ao nuôi tôm bị đục ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài tảo và làm giảm lượng Oxy hòa tan ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của tôm nuôi, để xử lý nước trong ao bị đục an toàn hiệu quả người nuôi cần biết rõ nguyên nhân làm cho nước bị đục từ đó ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Tác nhân chính tạo nên độ đục của nước trong ao nuôi chính là các hạt sét, bùn,… lơ lững, những chất này xuất hiện trong ao do một số nguyên nhân tự nhiên và con người trong quá trình nuôi tạo ra.

Các nguyên nhân làm cho nước trong ao tôm bị đục

1. Nguyên nhân tự nhiên:

– Do lượng mưa lớn vào mùa mưa làm cho đất ở bờ ao nuôi bị rửa trôi mạnh hòa vào nước ao làm cho nước ao bị đục

– Do sự hoạt động của tôm, các sinh vật trong ao làm cho nước bị đục

2. Nguyên nhân do người nuôi tạo ra:

– Ở những ao nuôi không sên vét ao kỹ lưỡng, ao nuôi quá cạn và quạt nước quá mạnh thường nước ao dễ bị đục.

– Người nuôi thường bón vôi để tăng độ kiềm trước khi thả nuôi tôm, tuy nhiên có trường hợp bón vôi không chất lượng có lẫn nhiều tạp chất làm cho nước ao bị đục.

– Cho ăn quá dư thừa làm tích tụ các chất lơ lững khó phân hủy trong ao nuôi.

xu ly ao tom bi duc

Ảnh minh họa

Cách xử lý nước ao nuôi tôm bị đục an toàn hiệu quả

– Người nuôi có thể sử dụng sản phẩm X-30, giúp lắng tụ các chất hữu cơ dơ bẩn trong nước. Lắng các chất phù sa do trời mưa, tôm cá quậy đục hay do quạt nước gây đục. Cách sử dụng như sau:

+ Dùng 100 gr  pha loãng với 50-100 lít nước sạch tạt đều cho 1.000 m3
+ Trường hợp ao bị đục nhiều: 200gr pha loãng với 100 lít nước sạch tạt đều cho  1.000 m3  tạt 02 ngày liên tiếp.
** Lưu ý: Nên pha loãng  rồi ngâm trước khi tạt khoảng 15 phút, tạt đều ao; trong khi tạt nên tắt quạt khoảng 1-2 giờ, tạt vào lúc 9-10 giờ sáng.
– Sau khi xử lý nước bị đục bằng X-30, người nuôi nên dùng Vi sinh xử lý đáy BZ-BIO, giúp phân hủy các chất lắng tụ đáy ao làm sạch đáy và nước ao nuôi.

Biện pháp phòng ngừa nước ao nuôi tôm bị đục

– Tiến hành sên vét, đầm nén ao nuôi kỹ lưỡng trước khi cấp nước và thả tôm.

– Nếu có điều kiện người nuôi nên phủ bạc quanh bờ ao để giảm thiểu tình trạng ao nuôi bị đục vào mùa mưa.

– Khi cấp nước vào ao nên chọn con nước trong kết hợp sử dụng màng lưới để lọc các hạt lơ lững ngăn không cho vào ao

– Khi bón vôi cần chọn lọc vôi chất lượng và bón với liều lượng hợp lý.

Không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng tình trạng ao nuôi tôm bị đục rất phổ biến và dễ xảy ra, vì thế làm cho người nuôi khá lo lắng. Tuy nhiên nếu nắm được cách phòng ngừa và xử lý nước ao bị đục người nuôi sẽ hoàn toàn kiểm soát được tình trạng này.

3. Xử lý nước nước thải nuôi tôm

Có rất nhiều phương pháp để xử lý nước thải nuôi tôm đã và đang được ứng dụng rộng rãi. Trong xử lý sinh học bao gồm 2 hướng chính. Đó là sử dụng hệ vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và sử dụng hệ động thực vật thủy sinh để hấp thụ các chất hữu cơ.

a. Xử lý nước thải nuôi tôm bằng vi sinh vật

Có một số loài vi sinh vật có khả năng sử dụng các chất hữu cơ và một số chất khoáng làm nguồn dinh dưỡng. Nó tạo năng lượng, sinh trưởng nhờ vậy sinh khối của chúng tăng lên. Các vi sinh vật này được sử dụng để phân huỷ các chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ có trong chất thải từ nước thải thủy sản. Quá trình phân hủy này được gọi là quá trình phân hủy ôxy hóa sinh hóa.

Một số chế phẩm vi sinh thường dùng để cải thiện môi trường nước ao nuôi tôm, cá như Super VS, BRF-2 quakit… Thành phần sinh học của chế phẩm này gồm nhiều chủng loại vi sinh, tập hợp các thành phần men ngoại bào của quá trình sinh trưởng vi sinh; các enzyme ngoại bào tổng hợp; các chất dinh dưỡng sinh học và khoáng chất kích hoạt sinh trưởng ban đầu và xúc tác hoạt tính.

Chúng có khả năng tiêu thụ các chất hữu cơ phát sinh trong quá trình sinh trưởng và phát triển của vật nuôi trong ao hồ. Hay nói cách khác, chúng có tác dụng phân giải chất hữu cơ hòa tan và không hòa tan từ phân tôm. Các thức ăn thức ăn thừa tích tụ đáy ao nuôi. Nó tạo được sự ổn định, duy trì chất lượng nước và cả màu nước trong ao hồ. Mặt khác chế phẩm này còn giúp giảm thiểu được các vi sinh vật gây bệnh như Vibrio, aeromonas, E.coli… Nó giúp làm tăng thêm lượng oxy hòa tan trong môi trường nước ao nuôi và  giảm thiểu lượng amoniac.

b. Dùng hệ động thực vật hấp thụ các chất ô nhiễm

Bản chất của việc sử dụng hệ động, thực vật để loại bỏ các chất ô nhiễm dựa trên cơ sở quá trình chuyển hóa vật chất trong hệ sinh thái thông qua chuỗi thức ăn. Thông thường người ta sử dụng thực vật làm các sinh vật hấp thụ các chất dinh dưỡng là nitơ và phospho, carbon để tổng hợp các chất hữu cơ làm tăng sinh khối (sinh vật tự dưỡng), đó là tảo hay thực vật phù du, rong câu và các loài thực vật ngập mặn khác.

Quy trình xử lý nước nuôi tôm thẻ chân trắng

Kế tiếp trong chuỗi thức ăn là các động vật bậc một – động vật ăn thực vật. Ðiển hình của các động vật bậc một ở vùng nước ven biển là các loại ngao, vẹm, hàu các loài này có thể tiêu thụ các thực vật phù du và cải thiện điều kiện trầm tích đáy. Các loài cá ăn thực vật phù du và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối cũng được thử nghiệm sử dụng ở các kênh thoát nước thải (Micheal J. Phillips, 1995).

Trong thực tế, để đảm bảo đạt hiệu suất xử lý cao các chất ô nhiễm với chi phí vận hành tối thiểu, người ta thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, kết hợp nhiều hệ thống và các tác nhân khác nhau. Tùy theo hàm lượng chất ô nhiễm trong nước thải và điều kiện cụ thể của từng khu vực.

Có rất nhiều phương pháp sinh học có thể sử dụng để xử lý ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thuỷ sản ven biển, mỗi phương pháp đều có những ưu và khuyết điểm riêng, xong sử dụng các hồ sinh học và các hệ thống đất ngập nước vẫn có ưu thế hơn cả xét về phương diện kinh tế lẫn môi trường, nhất là quy mô nuôi chưa cao, hệ thống nuôi còn nhỏ lẻ chủ yếu mang tính chất nông hộ chu kỳ thải từ 3 – 15 ngày/lần.

Kết luận:

Trên đây, GreenHouses đã trình bày cho bà con nông dân quy trình xử lý nước nuôi tôm thẻ chân trắng. Hy vọng bà con sẽ áp dụng được những tiến bộ khoa học trong nuôi trồng thủy sản.